Nhiều công ty Trung Quốc đang dần đi đầu trong lĩnh vực công nghệ khi tạo ra các mô hình kinh doanh mới thay vì sao chép như trước kia.
Trung Quốc lâu nay vẫn bị coi là nơi tạo ra "bản sao" công nghệ từ các dịch vụ, sản phẩm tên tuổi trên khắp thế giới. Từ camera hành trình, một ứng dụng điện thoại cho tới smartphone, các doanh nghiệp của quốc gia này luôn có thể tái tạo ra một phiên bản thay thế với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Và khi được bổ sung thêm các đặc tính riêng phù hợp với thị trường nội địa, đối thủ đến từ nước ngoài sẽ nhanh chóng bị đánh bại bởi lợi thế "sân nhà". Nhưng, không chỉ "sao chép và tái bản", một số công ty Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong việc tạo ra các mô hình kinh doanh và dịch vụ mới.
Có nhiều lý do dẫn tới điều này. Một trong số đó là việc họ được chính phủ bao bọc trong một môi trường không bị cạnh tranh bởi các ông lớn như Facebook hay Google. Điều này giúp các doanh nghiệp trong nước giảm tối đa nguy cơ rủi ro và khuyến khích thử nghiệm những điều mới mẻ.
Theo Derrick Xiong, Giám đốc tiếp thị của Ehang, công ty sản xuất các thiết bị bay không người lái có tiếng ở Trung Quốc, việc dần vươn lên dẫn đầu các xu hướng mới cũng phản ánh sự thay đổi mang tính thế hệ.
"Thế hệ mới của các doanh nhân trẻ đã ra đời", ông nói. "Họ không trải qua những giai đoạn cuộc sống khó khăn như cha mẹ mình nên có cách suy nghĩ hoàn toàn khác, giống với người trẻ ở Mỹ hoặc châu Âu".
Theo FT, dưới đây là một số lĩnh vực công nghệ mà trong đó các sáng kiến được thực hiện ở Trung Quốc đang phá bỏ lối mòn quen thuộc.
Dịch vụ chia sẻ xe đạp
Bên trái là xe của dịch vụ Mobike tại Thượng Hải, bên phải là dịch vụ LimeBike tại Mỹ.
Là quốc gia tiên phong trong mô hình chia sẻ các loại tài sản, dịch vụ chia sẻ xe đạp của Trung Quốc đã nở rộ và thành công trên khắp cả nước. So với các dịch vụ tương tự ở Anh hay Mỹ, người dùng ở Trung Quốc có nhiều lợi thế và tiện dụng hơn rất nhiều.
Những chiếc xe được mở khóa bằng ứng dụng di động, có thể lấy đi và để lại ở bất cứ đâu. Người dùng thậm chí có thể theo dõi chúng bằng hệ thống GPS. Các nhà tài trợ, doanh nghiệp lớn cũng tham gia vào sân chơi chung này khi nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng phát triển và quảng cáo từ chúng. Nhiều người thậm chí nói vui rằng rào cản duy nhất cho các doanh nghiệp mới là không còn màu sắc để lựa chọn cho các hãng cho thuê xe.
Tuy nhiên, trào lưu này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nhóm cộng đồng. Họ phản đối bằng cách phá hoại những chiếc xe, vứt chúng vào thùng rác... Dẫu vậy, điều này cũng không ngăn cản được sự mở rộng và nở rộ như nấm sau mưa của loại hình dịch vụ này. Và giờ đây, tại các tiểu bang ở Mỹ như California, North Carolina, Florida... một dịch vụ tương tự có tên LimeBike đã xuất hiện, được xây dựng theo mô hình mã QR của Trung Quốc và cũng không cần các bãi để xe tập trung nơi công cộng.
Mã QR (QR Code)
Hiện tại, với phần lớn người Trung Quốc, mã QR là chìa khóa để mở ra thế giới số. Một cú vuốt trên thiết bị di động cho phép người dùng thuê xe đạp, trả tiền mua hàng hay lấy thông tin liên lạc của nhau rất nhanh.
Nhưng nên nhớ rằng, các công ty Mỹ từng sử dụng mã QR nhiều năm trước đây và đã loại bỏ chúng vào năm 2013. Giờ đây, mọi thứ lại thay đổi khi chứng kiến sự thành công của công nghệ này tại Trung Quốc. Snapchat đã nhanh chân đưa mã QR vào ứng dụng của mình, cho phép người dùng quét mã để lấy thông tin của nhau giống như WeChat. Facebook mới đây cũng thí điểm biến mã QR thành dạng phiếu thưởng và giảm giá tại một số cửa hàng. Còn Spotify đã thông qua công nghệ này để cho phép người dùng chia sẻ âm nhạc.
Truyền thông mạng xã hội
WhatApps cũng phải học theo WeChat.
WeChat là ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội nổi tiếng của Tencent, từ lâu đã trở nên phổ biến nhất tại Trung Quốc. Qua ứng dụng này, cả chính phủ, người nổi tiếng tới các doanh nghiệp đều có thể nhanh chóng kết nối với người dân, khách hàng của mình một cách đơn giản và nhanh chóng. Các cuộc trò chuyện, thảo luận, các chương trình khuyến mại, chia sẻ tin tức... tất cả đều được tích hợp trong ứng dụng trông có vẻ đơn giản này. Theo thống kê, có hơn 20 triệu tài khoản "định danh" đã được ghi nhận, dù không phải tất cả đều được xác minh.
Và giờ đây, WhatsApp lại đang đi theo bước chân của WeChat. Ứng dụng trò chuyện được mua lại bởi Facebook đang phải học hỏi đối thủ trong việc giúp các doanh nghiệp giữ liên lạc với khách hàng của mình, thông qua việc cung cấp các tài khoản định danh để khách hàng biết rằng họ đang liên hệ với đúng cửa hàng hoặc dịch vụ, đặc biệt là với các nhãn hiệu cao cấp.
Thị trường bán lẻ
Hồi tháng 6 năm nay, Amazon dùng 13,7 tỷ USD để mua lại Whole Foods và tạo nên cơn địa chấn trong ngành bán lẻ truyền thống. Nhưng nếu đem so với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp lớn tại đây đã thực hiện bước tiến lớn này từ trước. Hãng thương mại điện tử Alibaba đã mua lại cổ phần trong nhóm siêu thị lớn trong nước Lianhua vào tháng 5 và trước đó là chuỗi cửa hàng tạp hóa Intime. Có thể nói tập đoàn của Jack Ma đã vận hành một mô hình tài sản tương tự như Amazon và đã vạch ra kế hoạch sớm hơn so với công ty Mỹ.
Alibaba gọi mô hình này là dịch vụ "bán lẻ kiểu mới", kết hợp cả online và offline để mang lại khả năng phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Hàng hóa đa dạng sẽ tới tay khách hàng nhanh hơn, đơn giản hơn, trong khi công ty quản lý sẽ thu được lượng dữ liệu ngày càng lớn.
Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực gì tiếp theo?
Theo iResearch, Mỹ và các quốc gia khác sẽ tiếp tục phải học tập Trung Quốc trong lĩnh vực thanh toán di động. Hiện các khoản thanh toán di động ở Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ so với Trung Quốc, thị trường có trị giá 8,8 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng nhất lại là giáo dục. Năm ngoái, Trung Quốc đã "sản xuất" được lượng sinh viên tốt nghiệp về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học gấp khoảng 9 lần so với Mỹ. Và cùng với lượng dân số lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, áp lực đột phát trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mà Trung Quốc mang lại trong tương lai sẽ còn tiếp tục đè nặng hơn so với hiện tại.
Theo Mai Anh (VnExpress.net)